Posted By Mostwanted
May 16, 2015 - May 17, 2015
8:00 pm – 10:00 pm
Categories: All Events
Tags: Kỷ niệm Nguyễn Ánh 9
Nhạc sỹ nổi tiếng với những bản nhạc tình buồn bất hủ Nguyễn Ánh 9 tổ chức liveshow mang tên “Kỷ niệm” tại Hà Nội vào tối 15-16/5 -2015.
Nguyễn Ánh 9 nổi tiếng với những nhạc phẩm như “Ai đưa em về,” “Biệt khúc,” “Bơ vơ,” “Buồn ơi chào mi,” “Không” và cũng là một nhạc công chơi dương cầm.
Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1/1/1940. Năm nay đã bước sang tuổi 75, ông cho biết đây có thể là lần cuối ông tổ chức liveshow trong cuộc đời làm âm nhạc của mình.
Trong hai đêm diễn lần này, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 dự định sẽ nói hết những gì muốn nói, tâm tình, tâm tư mà ông chưa từng chia sẻ, để được trò chuyện, giãi bày với khán giả Hà Nội.
Cuộc đời âm nhạc của ông cũng sẽ được khắc họa sâu sắc, từ những khi cơ hàn, khó khăn, đến khi thăng hoa rồi những gập ghềnh, trắc trở của cuộc sống, những hỉ nộ ái ố…
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tâm sự ông có một tình yêu đặc biệt, sâu nặng với Hà Nội, không phải bởi ông có “nàng thơ” nào đó ở Thủ đô dịu hiền, mà bởi chính Hà Nội đã giúp ông “tái sinh” với âm nhạc, khi ông tưởng như mình không còn cơ hội được đàn cho khán giả nghe nữa. Do đó, phần lớn ca sỹ hát trong đêm nhạc của ông lần này là ca sỹ Hà Nội như nghệ sỹ ưu tú Đức Long, nghệ sỹ ưu tú Kim Tiến, Lê Hiếu, Minh Thu, Ngọc Châm, nhóm Con gái cùng nhiều nghệ sỹ Hà Nội yêu tác phẩm của ông. Ông nói ông có cảm giác khá lạ khi nghe ca sỹ Hà Nội hát nhạc phẩm của mình, vui hơn, khác lạ hơn so với các nghệ sỹ ở nơi khác.
Liveshow “Kỷ niệm” của Nguyễn Ánh 9 đặc biệt có sự xuất hiện của hai cây dương cầm – hai con của ông, như mong ước của nhạc sỹ và cha con ông sẽ cùng hòa tấu trên sân khấu.
Nhạc sỹ chia sẻ mong ước lớn nhất của ông là cả ba cha con ông sẽ cùng hòa tấu trên sân khấu, nhưng có lẽ điều đó sẽ chẳng bao giờ thực hiện được bởi không thể mang cả ba chiếc dương cầm lên sân khấu và người con thứ 2 của ông thì quá bận, rất khó tham gia chương trình của cha mình.
Ở tuổi 75, sức khỏe không còn tốt nhưng hàng tuần ông vẫn “lọ mọ” đi làm, đi đàn cho ca sỹ, hiếm người chịu khó như ông. Ông bảo, với ông, đi làm, đi đàn không phải để kiếm tiền, mà đi làm để tận hưởng niềm đam mê âm nhạc của chính mình.
Nói theo kiểu nhà nghề của người làm nhạc nói vui với nhau thì đi làm để thỏa mãn cái tính “không đàn không chịu được,” sống không được đàn thì vô nghĩa. Và liveshow lần này cũng đã thỏa mãn ước nguyện của cả cuộc đời ông là được đệm đàn cho ca sỹ hát tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Toàn bộ phần biên tập, đạo diễn hai đêm nhạc liveshow “Kỷ niệm” của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 do chính con trai lớn của ông, nhạc sỹ Nguyễn Quang đảm nhiệm.
Nguyễn Ánh 9 là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng và còn là một nhạc công chơi dương cầm. Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại tỉnh Phan Rang, Việt Nam (cũng có nguồn viết ông sinh năm 1939). Ông là út trong một gia đình khá giả có ba người con. Gia đình Nguyễn Đình Ánh chuyển đến Nha Trang và năm ông 11 tuổi thì vào Sài Gòn.
Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Ōsaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: “Còn thương nó không bạn?”, ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”. Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của nhãn đĩa Tình ca quê hương. “Không” trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương, cũng như một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 như “Ai đưa em về”, “Chia phôi”, “Lời cuối cho em”,… được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee tại thành phố Sài Gòn vào đầu thập niên 1970.
Những năm đầu thập niên 1970, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với nhiều vũ trường lớn ở Sài Gòn. Ông đã từng đệm dương cầm cho những ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Thái Thanh. Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Ánh 9 đã nói ông mê nhất được đệm đàn cho hai danh ca này. Cũng thời gian đó, ông viết thêm một vài nhạc phẩm nổi tiếng khác như “Mùa thu cánh nâu”, “Đêm tình yêu”.
Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, thời gian đầu ông có đi diễn ở các tỉnh với đoàn văn nghệ của Duy Khánh cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng. Từ 1976, ông làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây cho đến năm 1978.[1] Một thời gian Nguyễn Ánh 9 có mở một lớp dạy dương cầm.
Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 trở lại với âm nhạc; ông tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm ở nhiều nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như Mảnh tình nghiệt ngã, Mênh mông tình buồn. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 Nguyễn Ánh 9 có viết thêm một số ca khúc nữa như “Tình yêu đến trong giã từ”, “Mênh mông tình buồn”, “Cho người tình xa” và “Cô đơn”
Send this to a friend